Nhà văn Lý văn Sâm (1921 – 2000) sinh ra ở xã Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ông đã có thời gian dài sống và chiến đấu tại vùng rừng Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Bài ký này do ông viết vào tháng 4/1988 với tư cách một người trong cuộc kể lại chuyện xưa.
MÃ ĐÀ SƠN CƯỚC
(Ký)
“Mã Đà sơn cước anh hùng tận” – Trải qua nhiều đời đã là câu truyền tụng trong dân gian ở vùng Đông Nam bộ. Vì sao lại có câu truyền tụng ghê rợn như vậy? Ngày xưa, Mã Đà – giang sơn của các dân tộc người Stiêng và Châu Mạ – được coi như là cõi ma thiêng nước độc “đi dễ, khó về” đối với những ai mang tham vọng mạo hiểm vào “miền đất chết” này với cứu cánh xây mộng giàu sang bằng nghề “phá sơn lâm”. Mã Đà vốn là quê hương lâu đời của những loài cây cổ thụ có tên và không tên, của những vạt rừng già mênh mông không vết chân người, của những con suối chảy xiết như suối Mã Đà, suối Mã Sô, suối Đạt Bo, suối La Mách v.v… Mã Đà còn là đất thánh của các giống đã thú lạ lẫm với con người như hà mã, voi, cọp, beo, gấu, khỉ, dộc… Là sào huyệt của các giống vật bò sát như trăn, rắn, thuồng luồng, cá sấu, kì đà… Đó lại là mảnh trời riêng của các giống chim muông vạm vỡ như hồng hoàng, cao các, công, trĩ… Đường mòn voi qua (người Pháp gọi là la piste des éléphants) đỏ trạch và lầy lụa trong mùa mưa lũ đã trở thành con đường quái gở đầy những sự dọa dẫm và thường xuyên tung bụi mù theo từng cơn gió lốc trong suốt mùa khô.
Mã Đà Sơn Cước… Sơn cước dịch ra nghĩa nôm là chân núi, nhưng ở đây chỉ có đồi chứ không có núi: đồi Bằng Lăng, đồi Quít Rừng, đồi Tam Cấp v.v… Mã Đà sơn cước, nên hiểu đó là một vùng rừng rậm, bát ngát gần như bất khả xâm phạm đối với con người. Con người trở nên bé nhỏ và bất lực trước thiên nhiên bí hiểm đầy rắn, rết, muỗi mòng và đỉa, vắt; đặc biệt là đối với mầm sốt rét kinh niên và bất trị. Đa số người lên “khám phá” Mã Đà thời xưa đều mất mạng vì chứng sốt ác tính, một số khác mắc bệnh vàng da, chữa trị lâu ngày mới hết. Anh hùng tận, câu truyền tụng ấy nghe đáng ghê sợ lắm chứ!
Riêng về suối Mã Đà – con suối chính với hai nhánh nhỏ là suối Ràng và suối Rạc tự nó cũng có thể gọi là con suối “giết người”. Nước suối đục ngầu pha màu đỏ chảy như thác trong mùa mưa. Cây mã tiền mọc thành rừng trên đầu nguồn dòng suối. Trái mã tiền rất độc rụng đầy theo dòng suối, cá chày ăn phải trái mã tiền bị say chất độc và chết tức khắc những con cá chết dạt theo dòng nước xiết, miệng há hốc, mắt ứa máu tươi như những con người bị giết oan. Trái đười ươi rụng trên mặt đất ăn mát ruột nhưng cũng dễ gây bệnh sốt rét vì nước bẩn thấm vào. Trái đười ươi và cá chày đã một thời làm thức ăn chính cho con người Mã Đà. Về lâu về dài, hai món ăn nguy hiểm ấy lần lần thức tỉnh mọi người.
Trên đây là chuyện Mã Đà của khoảng thời gian trước những năm 1920-1930. Theo lời của các bậc cao niên thời ấy thì ở Mã Đà còn lưu lại một câu chuyện có thể ví như một huyền thoại – huyền thoại Mã Đà.
Đường 3 tháng 2 của thành phố Biên Hòa ngày nay, xưa có tên là Avenue Oderra tức đại lộ Oderra. Oderra là tên của một chủ đồn điền người Pháp mà tên tuổi gắn liền với tên tuổi các “quan chức” trong bộ máy cai trị của Thực dân Pháp hồi đó. Oderra có đồn điền trồng cao su ở Rạch Đông (thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu ngày nay). Oderra có rất nhiều vợ, người vợ mà anh ta cưng nhất trong thời điểm bấy giờ là một thiếu phụ người Việt tên là Chanh, người địa phương gọi là “bà lớn Chanh”. Một buổi sáng nọ, bà lớn Chanh đang bơi xuồng dạo chơi trên sông Đồng Nai thì bất đồ con sấu đỏ mũi nổi lên, quẫy đuôi hất bà nhào xuống sông. Sau đó là một bi kịch. Để trả thù cho vợ, quan đồn Oderra thuê người làm đập ngăn dòng Rạch Đông rồi lừa con sấu đỏ mũi vào đó để bắt sống. Con sấu đỏ mũi bị mổ ruột, phanh thây, Oderra tìm thấy trong bụng con sấu dữ tất cả nữ trang đắt giá của vợ mình.
Sau ba ngày tiến hành làm lễ cầu siêu cho vợ, Oderra bỏ Rạch Đông đi lần lên hướng Xuân Lộc, Dầu Giây rồi Định Quán. Dọc đường Oderra lấy một người vợ khác, đó là cô gái Hoa kiều tên Liễu Nam, đẹp như thiếu nữ trong các bức tranh cổ. (Về sau, những nơi Oderra đi qua đều trở thành đồn điền cao su. Thực dân Pháp nhớ công lao ấy nên lấy tên Oderra đặt tên cho một con đường lớn trong tỉnh Biên Hòa).
Nơi dừng chân sau cùng của cặp uyên ương Oderra – Liễu Nam là Mã Đà, sau khi họ vượt qua sông La Ngà, sông Đồng Nai đầy những thác ghềnh như thác Guga, thác Bonron, thác Liên Khàng… Oderra – Liễu Nam cùng với hai tay phụ tá đắc lực người Miên là Nặc Ông Ri và Nặc Ông Cương xây dựng một làng rừng trù phú bên bờ suối Mã Đà với ý đồ tạo lập một giang sơn mới, mời gọi các sắc tộc Châu Mạ, Stiêng, Châu Ro về hợp tác. Không ai nghe theo cho nên vợ chồng Oderra – Liễu Nam vẫn phải sống chơ vơ giữa vùng Mã Đà ma thiêng nước độc. Và thiên tình sử Oderra – Liễu Nam cũng không kéo dài thêm được bao lâu. Một ngày kia, một tên xếp kiểm lâm người Pháp điển trai và trẻ hơn Oderra đã ghé qua Mã Đà, và bằng nghệ thuật nịnh đầm tuyệt diệu đã cuỗm mất Liễu Nam. Oderra xấu hổ đã phải bịa ra một chuyện hoang đường, giật gân để đánh lạc hướng cái chuyện bị mọc sừng của mình rằng: “Vợ y trong một chuyến đi săn bị giống Xà Niên dụ dỗ và đã mất tích trong rừng sâu”. Người đời sau không ai còn nhớ là Oderra đã sống những ngày tàn như thế nào. Mãi đến năm 1935, người ta bất chợt tìm thấy một cái bia bằng đá có khắc chữ li ti không biết do bàn tay ai dựng lên bên bờ suối Mã Đà. Có thể tấm bia ấy là do Liễu Nam dựng nên chăng? Vì rằng những chữ li ti khắc trên bia đá nọ không phải là chữ Pháp, mà chữ Trung Quốc. Biết đoán thế nào cho đúng?
Ngày nay “huyền thoại Mã Đà” đã lùi vào quá khứ. Trong hai cuộc kháng chiến, tôi – người kể chuyện này – đều có dịp sống và chiến đấu tại đất Mã Đà.
Sau năm 1975 tôi cũng đã có lần trở về thăm cái đất ma thiêng nước độc khét tiếng này. Bây giờ, nơi đây đã bắt đầu một huyền thoại mới về Mã Đà, một lâm trường đồ sộ đã mọc lên: Lâm trường Mã Đà có nhà cao tầng, trường học, tất cả đã bừng sáng nhờ dòng điện Trị An. Những người anh hùng của thiên huyền thoại mới này đang phấn đấu gian khổ, hướng về tương lai tươi đẹp, góp phần viết lên những trang sử vàng về rừng.
Lý văn Sâm
Tháng 4 năm 1988