Hồ Trị An có diện tích khoảng 323km2, xây dựng hoàn thành đầu năm 1987, là nơi trữ nước để cung cấp cho nhà máy thủy điện Trị An. Hồ nằm trên sông Đồng Nai, trải rộng trên địa bàn nhiều huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom. Mỗi một khu vực ở hồ Trị An mang vẻ đẹp riêng, với các hoạt động như đạp xe, cắm trại, chèo thuyền, câu cá, săn ảnh bình minh hay hoàng hôn. Một trong những nơi du khách không thể bỏ qua, sẽ bất ngờ trước vẻ đẹp cảnh quan, nhịp sống hồ Trị An là tại khu vực Bến Nôm 2 vào mùa tảo xanh. Địa điểm này nằm trên Quốc lộ 20, cách ngã tư Dầu Giây, Đồng Nai khoảng 20km về hướng đi Đà Lạt.
Bức họa của đất nâu và tảo xanh
Như một quy luật của tự nhiên, từ tháng 7-10 hàng năm là mùa bãi cạn ở hồ Trị An, với những “bãi đất chìm” nhô dần lên, là nơi thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tới sáng tác khi tảo phát triển vào mùa nước cạn. Trên mặt hồ hình thành lớp tảo màu xanh rộng lớn lên đến hàng nghìn m2, sắc xanh của tảo thay đổi tùy theo ánh sáng mặt trời chiếu xuống; đặc biệt, vào những ngày nắng gắt, tảo “nở hoa”, mang màu xanh đậm và dày 0,5-2cm. Những chiếc ghe đậu sát nhau ven dải bờ đất nâu, tương phản với gam màu xanh của tảo tạo thành một bức tranh đẹp ngỡ ngàng khi nhìn từ trên cao. Không chỉ thế, còn săn được khoảnh khắc tuyệt đẹp với lớp sương mai lung linh đọng trên những dải cỏ xanh mướt mới nhú lên trên bãi cạn.
“Đời cá” ở Bến Nôm 2
Phú Cường là xã đồng bằng duy nhất của huyện Định Quán, với khoảng 90% là Việt kiều Campuchia. Nguồn lợi thủy sản hồ Trị An mấy chục năm qua đã nuôi sống các hộ gia đình ngư dân Việt kiều Campuchia từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến bám trụ ở làng cá Bến Nôm 2. Họ tận dụng quãng thời gian mặt nước hồ Trị An xuống thấp để đánh bắt thuỷ sản. Ngoài đặt lợp, lưới, nét đặc trưng của Bến Nôm 2 có lẽ là những chiếc ghe đánh cá nổi bật trên nền tảo xanh. Chúng được thiết kế đặc biệt, với dải lưới nằm ở mũi ghe trông như một chiếc đuôi cá, có tác dụng cho việc ủi bắt cá (còn gọi ủi vồn). Mặt trời khuất dần cũng là lúc những chiếc ghe xuất bến, chong đèn dẫn dụ đánh bắt để kịp mang lên bờ lúc hừng đông bán cho thương lái đang đợi sẵn. Đặc sản chính là cá lìm kìm, toàn thân có màu trắng đục, có thể kho gừng, sốt cà, chiên muối sả và làm khô cá. Ngoài ra, còn phải kể đến những mẻ tép, cá trê, lóc, rô phi, trắm hay mè.
Công việc mưu sinh mùa nước cạn còn thuận lợi khi họ chăn thả trâu bò ăn cỏ hoặc lùa đàn vịt kiếm ăn. Một ngư dân sống lâu năm gần hồ chia sẻ đã quá quen với sự xuất hiện của tảo vào mỗi mùa nước cạn, nên đôi lúc tảo hơi nặng mùi tanh cũng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống xung quanh. Họ dùng nguồn nước sạch mua trữ trên bờ trong quá trình sinh hoạt, chứ không dùng nước dưới hồ. Sự phát triển của tảo là nguồn thức ăn tự nhiên cho các động vật thuỷ sinh, tôm, cá… Từ tháng 10 đến tháng 12, nước lòng hồ lên cao, sẽ hết tảo và nhịp sống của ngư dân cứ diễn ra theo mùa như thế.
Ngoài Bến Nôm 2, một số điểm dã ngoại yên bình được xem là “thiên đường” giải nhiệt cho mùa hè ở hồ Trị An du khách có thể lựa chọn như rừng Mã Đà, thác Trị An, đảo Năm Bầu, đảo Ó – Đồng Trường hay đảo xà Cừ.