Hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Ðồng Nai có nhiều thủy sản phong phú, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cá Hoàng Ðế với vẻ ngoài khá đặc biệt. Vài năm trở lại đây, câu cá Hoàng Ðế đã dần trở nên thu hút với các “cần thủ” xa gần, cũng như lôi cuốn thực khách phương xa đến với Trị An.

ÐẶC SẢN HỒ TRỊ AN

Cá Hoàng Ðế có nguồn gốc ở Nam Mỹ, tên khoa học là Cichla ocellaris. Ðây không phải là giống cá xuất hiện lâu đời ở hồ Trị An, theo dân địa phương, khoảng 20 năm trước, loài cá này được một số ít hộ nuôi cá trên lòng hồ nhập về với mục đích nuôi nhân giống cá kiểng. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi ở lồng bè, một số con đã thoát ra tự nhiên, gặp điều kiện thích hợp nên sinh sôi nhanh chóng. Ban đầu, khi bắt được cá Hoàng Ðế nhiều người không dám ăn thịt vì chúng khá lạ với bộ răng nhìn hung dữ. Sau này người ta thấy rằng thịt cá Hoàng Ðế dai, ngọt và béo, rất ngon nên ngày càng ưa chuộng. Theo thời gian, đánh bắt cá Hoàng Ðế dần trở thành công việc đem lại thu nhập cho ngư dân ở lòng hồ Trị An. Cái tên Hoàng Ðế mỹ miều của loài cá này chẳng ai nhớ rõ là từ đâu, có thể vì vẻ ngoài màu vàng ánh kim của chúng.

Cá mè, lăng, tra dầu… là những loài cá lớn thường có ở hồ Trị An, song cá Hoàng Ðế lại là loài cá được nhiều sự quan tâm hơn cả. Anh Quang Trung, một ngư dân sống gần hồ, chia sẻ: “Dường như khu vực phía Nam không đâu ngoài Trị An có loại cá này, và cũng vì hồ quá rộng, hoang sơ nên nhiều người thích đến đây để nghỉ ngơi thư giãn. Thịt cá chắc, ngọt lại khó có thể tìm mua được ở chỗ khác khiến nhiều người muốn ăn thử”. Cũng theo “ngư phủ” này, khoảng chục năm đổ lại đây, từ những lời rỉ tai nhau khi đến tham quan hồ, cá Hoàng Ðế trở thành đặc sản của hồ Trị An. “Ði lòng vòng quanh đây sẽ dễ gặp các nhà nhận tìm mua giùm cá Hoàng Ðế và khá nhiều nhà ghe hiện nhận chở khách đi câu loài cá này”, anh Trung nói thêm. Giá sẽ tùy vào chất lượng, trọng lượng, nhưng hiện khoảng 100.000 – 150.000/kg cá tươi.

Vị trí khu vực lòng hồ có trên 70 đảo lớn nhỏ, kề bên là rừng Mã Ðà, tạo nên cảnh quan đẹp, rộng lớn, mát mẻ, thu hút nhiều du khách. Và các món ăn chế biến từ thịt cá Hoàng Ðế đã trở thành một phần không thể thiếu trong những chuyến đi như thế. Chị Thu Trang, nhân viên khu du lịch Ðảo Ó – Ðồng Trường (một trong những đảo lớn trên hồ) giới thiệu: “Hầu như ai cũng muốn thử ăn cá Hoàng Ðế xem có ngon như lời đồn không, nên thực đơn nhà hàng ở đảo cũng như các quán ăn trong khu vực hồ đều có món cá Hoàng Ðế. Có rất nhiều cách chế biến nhưng hai món nướng và nấu ngót được ưa chuộng nhất”. Một con cá Hoàng Ðế đánh bắt ở hồ Trị An thường có trọng lượng trên dưới 1kg, rất hiếm khi câu bắt được cá lớn 3 – 4kg. Theo những “đầu bếp” ở địa phương, thịt cá trắng, thơm, ngọt lại dai, béo, lại là cá tươi vừa đánh bắt được nên chỉ cần tẩm ướp thật đơn giản đem nướng, chấm kèm muối ớt hoặc nấu ngót, nấu chua đã đủ làm dậy vị ngon rồi.

Là loài cá ăn tạp và khá dễ nuôi, lại có vẻ ngoài bắt mắt, cá Hoàng Ðế cũng bắt đầu được người nuôi cá cảnh chú ý tìm mua. Con cá Hoàng Ðế không chỉ còn là “đặc sản” trên bàn ăn mà chúng đã trở thành nét đặc trưng của một vùng thiên nhiên rộng lớn…

SĂN CÁ TRONG LÒNG HỒ

Hơn 70km từ TPHCM đến hồ Trị An đã trở thành cung đường quen thuộc của nhiều “cần thủ” mỗi cuối tuần. Cũng từ đó, những hội chung niềm hứng thú đến hồ Trị An câu cá Hoàng Ðế ra đời. Sân chơi này trở thành điểm hẹn hò của những buổi buông cần, trao đổi kinh nghiệm và niềm vui nỗi buồn sau chuyến câu. Mỗi cuối tuần, vòng quanh hồ, người ta dễ dàng bắt gặp những “cần thủ” tay xách nách mang chuẩn bị câu. Những “ngư ông” này săn cá không phải vì kiếm thêm thu nhập, mà chủ yếu vì thú vui được hòa mình vào thiên nhiên, được biết thêm về loài cá này.

Theo những tay câu kinh nghiệm, tháng 10, 11 là thời điểm “xôm” nhất để câu cá Hoàng Ðế. Nhưng năm nay, tháng 10 tại Ðồng Nai, TPHCM và nhiều nơi vẫn còn phải giãn cách xã hội nên cả ngư dân, cần thủ lẫn nhà ghe đều chỉ biết ngậm ngùi tiếc hùi hụi khi không thể đến hồ Trị An. Khi việc đi lại đã trở nên dễ dàng hơn, từ đầu tháng 11, đặc biệt vào thứ Bảy, Chúa nhật, nhiều người đã khăn gói mang cần, chuẩn bị mồi hòa mình vào cuộc săn cá kỳ thú.

Anh Trần Thanh Bình, một tay câu thường xuyên đến Trị An, không ngại chia sẻ bí quyết chuẩn bị mồi của mình: “Cá Hoàng Ðế rất thích ăn các loại mồi tự nhiên, đặc biệt là tép sống. Ðây là loại mồi bén nhất trong các loại. Loài cá này “khờ” nên câu và lưới không khó lắm đâu. Rê mồi trên mặt nước là dính liền”.

Anh Ðặng Văn Út, ngư dân tại Trị An lại “bày” một kinh nghiệm khác: “Giống cá này nó lạ ở chỗ mình càng làm ồn, càng động chúng càng dễ tìm tới. Loài cá này ăn động nên mới có cảnh có người nhảy ùm xuống nước khuấy đập mạnh khi thấy bóng dáng đàn cá. Lúc đó chúng đến càng nhiều, càng dễ câu…”. Ðể minh chứng, anh chỉ tay về phía người bạn đi cùng đang lao xuống nước với một tay cầm cần, một tay đập mạnh liên tục xuống mặt nước và chỉ ít lâu sau cá đã dính mồi.

Cá hoàng đế có thể câu vào ban ngày hoặc ban đêm đều được. Ngoài “bí kíp” truyền tai là khuấy động nước, còn có một yếu tố quan trọng quyết định thành bại nữa là điểm câu. Theo những tay “lão luyện”, những cồn đất nổi ở nhiều điểm khác nhau trên mặt hồ rộng lớn với mực nước sâu khoảng 2m đến 3m là điều kiện lý tưởng nhất để săn được cá. Tuy nhiên, muốn đến được các điểm này, người đi câu phải có ghe chở đi. Ðể thuê ghe đến được các điểm câu tốt không hề khó khi có khá nhiều nhà ghe nhận chở với mức giá dao động từ 300.000 – 800.000đ/ngày, tùy vào số người đi câu và loại ghe lớn hay nhỏ. Từ khi trời hửng sáng đến trước trưa nắng và khoảng thời gian đầu buổi chiều đến trước khi hoàng hôn buông xuống là hai thời điểm tốt nhất để câu cá Hoàng Ðế, vì đó là giờ ăn của chúng…

Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, lượng cá Hoàng Ðế cũng như những loài cá khác ở lòng hồ Trị An đã giảm sút đáng kể. Ðiều này được những ngư dân và những tay câu cá Hoàng Ðế nhìn thấy rất rõ qua mỗi lần lên ghe rong ruổi khắp lòng hồ. Ðó là hậu quả của việc sử dụng nhiều biện pháp đánh bắt ảnh hưởng đến môi trường như dùng xung điện đánh bắt, đóng đăng, giăng lưới mùa cá đẻ… Dân câu không ảnh hưởng nhiều, họ đến rồi đi và chỉ đơn giản nhận mình “vận vui” hay “vận xui” trong buổi câu. Tuy nhiên, với những người sống dựa vào nguồn cá trong hồ, thật sự đây là một mối lo…